• 0778 067 067
  • Số 38 Ven Hồ Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam
30/07/2020

Giải bài toán xuất khẩu nông sản

Thị trường Trung Quốc đang bị ngưng trệ khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam giảm sút nghiêm trọng. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang tìm giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu qua những thị trường mới, tiềm năng như Thái Lan, Mỹ, EU, thị trường Đông Nam Á như Thái Lan… và quan trọng là phục vụ thị trường nội địa.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, bình quân mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 200 triệu USD rau quả. Nay thị trường này sụt giảm do dịch bệnh nên Hiệp hội đang cùng với các doanh nghiệp trong ngành tính toán đến các giải pháp tiêu thụ ở nội địa, đồng thời tìm kiếm đối tác với những thị trường mới.

Hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được đẩy lùi mà vẫn có xu hướng lan rộng ở nhiều quốc gia, ngành rau quả Việt đang gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu. Vì thế, về lâu dài, giải pháp mở rộng thị trường mới ngoài Trung Quốc phải được các doanh nghiệp ưu tiên. Về chủng loại, thanh long là trái cây đầu tiên được xuất vào thị trường Mỹ từ năm 2008, đến năm 2019, lần đầu tiên trái xoài của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn để thâm nhập vào thị trường khó tính này. Đến nay đã có 6 loại trái cây Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, ngoài xoài và thanh long, 4 loại còn lại là chôm chôm, nhãn, vú sữa và vải thiều.

Bên cạnh đó, châu Phi cũng là thị trường khá tiềm năng và thuận lợi cho trái cây Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu của thị trường này ngày càng tăng, cùng với các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa không khắt khe. Với Thái Lan, trong năm 2019, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào nước này đạt 74,94 triệu USD, tăng mạnh tới 66,3% so với năm 2018. Hay thị trường EU, với hiệu ứng tích cực từ Hiệp định EVFTA vừa được Nghị viện châu Âu thông qua gần đây thì đây cũng là nơi hứa hẹn của nông sản Việt.

Tuy nhiên, để thâm nhập vào thị trường nước ngoài và gia tăng giá trị, doanh nghiệp hay nông dân Việt Nam phải nâng chất cho sản phẩm bằng cách đầu tư nhiều hơn về kỹ thuật, cũng như chế biến sâu.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, nhu cầu của thị trường nội địa gần 100 triệu dân của Việt Nam cũng là rất tiềm năng. Theo đó, do mức sống của người dân tăng lên, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm rau quả nhiều hơn. Và hiện nay, cũng như xu hướng thế giới, người tiêu dùng có yêu cầu cao hơn về chất lượng của sản phẩm rau quả nên doanh nghiệp cần nắm bắt để đáp ứng thị hiếu khách hàng. Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại ngay tại nội địa để hàng hóa đến được người tiêu dùng nhiều hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ tới nhu cầu thực sự ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đừng chủ quan cho rằng thị trường trong nước có yêu cầu với sản phẩm chất lượng thấp, như vậy là sai lầm. Hiện nay tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, người tiêu dùng rất quan tâm đến chất lượng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ đang có xu hướng ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm ngoại vì cho rằng chúng có chất lượng tốt, an toàn hơn.

“Doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể trong tuyên truyền để người tiêu dùng trong nước thấy sản phẩm Việt Nam an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng nên hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Cùng với đó, cần giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất nhằm hạ giá thành sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận”, ông Sơn nói.

Tại diễn đàn xuất khẩu rau hoa quả 2020 mới đây, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, các triển lãm ở đây sẽ là cầu nối giao thương quan trọng, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân tiếp cận công nghệ, nguồn giống sản xuất mới; đồng thời tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Diễn đàn này đã thu hút khoảng 150 doanh nghiệp đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển cao, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối vào các thị trường có tiềm năng xuất khẩu lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Úc…

“Cơ hội dành cho trái cây Việt Nam tại thị trường châu Âu trong thời gian tới là rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng như người nông dân phải làm được sản phẩm chất lượng cao và quan trọng là sản xuất trồng trọt phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn trong xuất khẩu…”, bà An chia sẻ.